Pair of Vintage Old School Fru
Chùa Già Lam tọa lạc trên một khu đất rộng, phong cảnh thoáng mát, đầy cây cảnh rất thích hợp cho việc tu hành, kinh kệ. Từ ngày má vợ mất, tôi hay lên chùa để thắp nhang nhất là vào các ngày rằm lớn. Nếu các Chùa khác ở Sài Gòn cũng đều có Bảo Tháp, nơi giữ cất của người đã khuất thì Chùa Già Lam cũng vậy. Tôi hay vào nơi giữ cất vì ở đó có cốt của ông già vợ. Ông mất năm sáu chín, cải táng năm 1980 và đưa về chùa từ năm đó. Ông anh vợ tôi lặn lội từ Sài Gòn ra miền Trung để đưa vào đây cốt của cha vợ tôi để tiện việc nhang khói. Nhà cốt nằm ở phía tay phải của Chùa, chật hẹp, ở đó cất giữ rất nhiều cốt. Đa số là người của miền Trung.... Nhưng ông Tư, người giữ cốt lại là người miền Nam. Ông làm nghề này đã lâu, hoàn toàn tự nguyện vì công quả... Mỗi khi có lễ gì ở Chùa như lễ An cư kiến hạ, cầu siêu, hoặc cúng rằm tháng bảy là ông ở lại Chùa suốt đêm. Còn thường thì ban ngày ông có mặt ở Chùa, tối về nhà ngủ. Nhìn ông hom hem, da sạm đen. Đôi mắt sâu hoắm cứ tưởng ông yếu lắm nhưng ông rất khỏe. Cốt được cất trong một cái lọ, phía ngoài là bức ảnh nhỏ xíu nhà cốt lưu giữ hàng trăm cốt có ghi tên tuổi cụ thể và nhiệm vụ của ông Tư là lo quét dọn nhà cốt rồi thắp nhang mỗi ngày. Thắp chung cho nhà cốt. Ông thuộc vanh vách từng cốt một... cốt ông già vợ tôi ở trên cao, mỗi khi thắp nhang phải bắc thang lên. Không khí rất huyền hoặc kỳ bí đó là thế giới của người chết.... Tôi hỏi:

- Bác làm nghề này có sợ không?

Bác Tư cười móm mém:

- Ban đầu thì sợ nhưng bây giờ quen rồi. Tâm linh mà. Mình cứ sống tốt thì có ai hại mình được đâu. Tôi vào nghề này vì tình cờ thôi. Gọi là nghề nhưng thực ra là làm công quả. Sư trụ trì bảo tôi là ở Chùa thiếu người trông coi giữ cốt, nếu thí chủ làm công quả thì coi giữ giùm Chùa. Tôi gật đầu đồng ý. Hằng ngày ăn cơm chay niệm Phật và ngồi ở đây cho đến hôm nay. Tôi đã ngoài bảy mươi rồi, cũng gần đất xa trời rồi. Coi như là tích đức vậy.... Nhà Chùa là nơi bá tánh đến nghe kinh. Nhiều người đóng góp công quả, thắp nhang lạy phật để xua tà tâm...

Tôi hỏi:

- Bác ở trong này có thấy ma bao giờ không? Nghe nói gần chùa ma quỷ hay đến nghe kinh để sớm siêu thoát.

Bác Tư kể:

- Có chứ bữa đó tôi ở lại hơi trễ một chút vì trời mưa, tôi thấy một loạt bóng trắng ào vào. Tôi ngỡ mình nằm mơ tự nhéo tay thật đau thấy đang tỉnh táo. Tôi hỏi mấy chú tiểu thì chú cho biết: ở Chùa này thấy hoài, các hồn ma đi dạo chơi, bây giờ trở về. Tôi cứ run bần bật cả người vì sợ. Tôi tính xin trụ trì cho nghỉ việc, nhưng ngặt nỗi nhà Chùa không còn ai nên đành ở lại. Tôi thắp nhang cầu các vong linh: Tôi làm nghề giữ cốt, chăm sóc vong hồn các bạn. Xin đừng quấy nhiễu nữa.... Sau đó rồi cũng yên ổn, thỉnh thoảng nghe có tiếng gì đó mơ hồ lắm.... Nói về nghề, thì nghề giữ cốt có khác gì coi nghĩa địa đâu, cũng là thân xác và phần hồn cả thôi. Tôi chỉ sợ mai mốt già cả rồi không ai thay thế thì tội cho các vong linh lắm.... Mà nói thật nghe nếu ngày nào không đến nhà cốt tôi lại thấy áy náy cậu ạ..... Nghề của tôi cũng cô đơn như nghề coi xác ở bệnh viện vậy, nó buồn lắm. Vì đơn độc một mình....

Giọng bác Tư trầm đục. Tôi nhìn bác lặng lẽ, gầy gò đi lau chùi bụi bặm ở các bức di ảnh, mà trào lên bao xúc động sâu xa. Bác đã vượt qua bao nỗi sợ hãi để làm công quả. Nếu như ở xóm nghĩa địa có nhiều người tập họp, còn ở đây bác chỉ có một mình. Tôi nhớ chính tôi có lần say rượu ở Phước Long đã nằm ngủ bên ngôi mộ hoang suốt đêm, khiến bạn bè hoảng hốt và khi tỉnh rượu tôi cũng kinh hoàng vì sự táo tợn của mình. Đó chỉ là một đêm thôi, còn bác Tư thì cả đời gắn bó với người chết, mà những người đó hoàn toàn xa lạ, không thân thích. Bác nói: Phật dạy con người ta từ bi hỉ xả, hưởng phước vô lượng. Gieo nhân nào, gặt quả ấy. Đây cũng là một điều tâm. Tâm trong hồn thanh thản. Tôi hỏi:

- Hồi nhỏ chắc bác gan lắm?

Như gãi đúng chỗ ngứa. Bác kể:

- Hồi nhỏ nhà tôi ở dưới quê, mần ruộng kiếm sống. Tôi hay đi câu cá đêm qua các khu gò mả. Lũ bạn sợ nhát không dám đi. Tôi cứ mặc kệ. Vì tôi nghĩ: ma chết sợ người đấy chứ. Nghĩ vậy nhưng vẫn cứ run vì nghe tiếng gió hú, lửa ma trơi chập chờn, rồi đom đóm bay lập lòe, nhìn đâu như cũng thấy có ma quỷ.... Nhưng tôi chẳng ngán gì cả, cứ đi. Thỉnh thoảng cũng bị ma nhát mấy lần.

Tôi hỏi:

- Ma nhát là nhát làm sao hả bác? Nghe ly kỳ quá. Mà bác có tin có ma quỷ không?

Bác Tư gật đầu:

- Có chứ. Có thế giới dương gian thì cũng có cõi âm ty. Có thờ, có thấy, có kiêng, có lành ông bà đã dạy vậy mà. Người ác sẽ bị trừng trị dù có thoát khỏi cõi dương gian. Lưới trời lồng lộng. Còn ma nhát ấy à lạ nghe. Tôi thấy có ai nhéo tai mình rồi có tiếng cười vang vang. Cứ ngỡ là bạn bè đùa. Khi định thần nhìn kỹ, chỉ có mình với đêm đen, nghĩa địa.... Tôi hoảng sợ nhưng rồi vẫn tiếp tục đi. Về đến nhà, trời đã rạng bình minh. Bạn hỏi: Đêm qua có thấy gì lạ không? Tôi kể lại câu chuyện ai cũng rùng mình. Họ cho tôi là gan cóc tía. Họ bảo: những người bị ma nhát là những người yếu bóng vía. Vậy mà tôi không hề hấn gì. Thế mới lạ chứ....

Tôi hỏi:

- Nghe nói người sống gần âm khí, cốt cách cũng kỳ lạ lắm, bác thấy sao?

Bác Tư cười xuề xòa:

- Chú thấy tôi có vậy không? Mà tôi đôi lúc cũng như bị nhập tâm, nói năng một mình cứ ngỡ như có ai nói chuyện với mình vậy.... Về nhà, vợ bảo: Ông này lẩm cẩm rồi, coi chừng bị ma nhập.

Câu chuyện của chúng tôi kết thúc. Tôi từ giã bác Tư ra về. Rời ngôi Chùa yên tĩnh mà lòng cứ day dứt một câu hỏi: Người làm công quả như bác Tư hiện nay còn lại bao người. Chắc là cũng có. Nhưng để gắn bó một cuộc đời có lẽ rất hiếm. Hiếm lắm.