Disneyland 1972 Love the old s
Đi qua, đi lại hằng chục lần mà Hương Lan vẫn chưa có đủ can đảm để bước vô cái cửa hiệu mang tên Hoàng Huy làm bằng chữ nổi to đùng chạy dài gần hết cả mặt tiền.

Không phải cô sợ mà là cảm giác e ngại đang chế ngự. Gần một tháng trời nay, với bộ hồ sơ xin việc cô đã phải xông xáo đến nhiều nơi hòng mong kiếm được một chỗ làm ổn định. Nhưng niềm hy vọng trong cô đang dần dần tắt lịm vì chẳng có nơi nào chịu nhận. Toan nghĩ đến chuyện trở về quê lấy chồng, chiều qua Hương Lan đã ra ga đặt vé song khoảng thời gian chờ đợi, cô mua một tờ báo đọc đỡ buồn và phát hiện ra nơi đang cần người, đó là cơ sở Hoàng Huy mà cô đã qua lại lúc nãy giờ. Hiện tại Hương Lan không mong đợi việc làm phù hợp với mình, cô chỉ hy vọng kiếm được đồng lương đủ sống, để không phải trở về quê nhận cuộc hôn nhân đặt để của mẹ cha. Cô có yêu thương gì kẻ ấy đâu. Thà làm đứa con bất hiếu còn hơn là phải giam hãm đời mình vào cuộc sống gia đình gượng ép. Với ý nghĩ đó, Hương Lan đã rời bỏ người thân trốn đến thành phố hoa lệ này để tự tìm cuộc sống mới. Một tháng trời lang thang, rong rủi số nữ trang mang theo đã chi tiêu hết nhẵn. Nếu một vài ngày nữa không kiếm được việc làm cô chẳng biết phải sinh sống ra sao? Mãi nghĩ vẩn vơ, đến khi giật mình ngẩng đầu lên, Hương Lan mới biết mình đã đứng trước cửa hiệu:

- Xin lỗi, tôi muốn gặp ông chủ...

Bên trong cửa hiệu rộng lớn chẳng có ai ngoài một người đàn ông trạc tuổi trung niên nhưng dáng vẻ bề ngoài rất trẻ và lịch lãm. Ông ta đang hí hoáy gì đó nơi chiếc bàn làm việc kê mãi tận bên trong nên hình như không nghe được câu nói của Hương Lan. Cô phải lặp lại bằng âm điệu lớn hơn:

- Thưa ông, tôi muốn xin việc làm.

Lúc này người đàn ông mới ngẩng đầu lên, cặp chân mày chau nhẹ:

- Cô vừa nói cái gì?

Hương Lan bối rối không dám nhìn thẳng vào tia mắt người đàn ông:

- Dạ, có phải nơi đây đang cần người giúp việc không ạ?

Người đàn ông đáp chậm rãi:

- Phải cô đến đúng nơi rồi.

Vừa nghe qua Hương Lan khấp khởi mừng bước nhanh tới đặt bộ hồ sơ lên trên bàn:

- Thưa ông, đây là đơn xin việc của tôi.

Người đàn ông quan sát Hương Lan rồi phẩy tay:

- Không cần thủ tục rườm rà đâu. Tôi chỉ muốn thuê một người giúp việc cần mẫn và trung thành.

Hương Lan nói vội vã:

- Nếu chỉ có thế thì tôi đủ điều kiện.

Người đàn ông nhếch mép:

- Sao cô không hỏi công việc của mình sẽ làm gì?

Hương Lan chớp mắt để lộ nét ngây ngô của một cô gái nhà quê:

- Tôi nghĩ việc gì mình cũng có thể làm được, nếu như bản thân cố gắng.

Người đàn ông gật gù:

- Biết thế thì tốt lắm! Tôi nhận cô vào làm ngay hôm nay.

Hương Lan nghệch mặt ra vì mừng rỡ:

- Ông nói thật đấy chứ?

Giọng người đàn ông khá lạnh lùng:

- Cô nghĩ tôi đang đùa ư?

- Ồ, không. Tôi chỉ sợ mình nghe lầm.

- Cô cần việc làm đến thế sao?

- Vâng. Bởi vì tôi cần phải sống, ở thành phố này tôi không có người thân để nhờ vả lúc khó khăn.

- Cô từ đâu đến đây?

- Quê tôi ở miền Trung. Tôi rời bỏ gia đình vì một lý do riêng.

Ngỡ mình sẽ bị truy cứu tới nơi về lai lịch bản thân, nhưng người đàn ông tỏ ra không quan tâm mà đi thẳng vào vấn đề chính của sự việc:

- Cửa tiệm của tôi không phải là nơi kinh doanh buôn bán mà là chỗ trưng bày tác phẩm nghệ thuật cho những người có tâm hồn chiêm ngưỡng. Công việc của cô là trông coi và lau bụi cho các pho tượng ở đây.

Một lần nữa Hương Lan lại mừng rơn vì công việc được giao quá nhẹ nhàng. Cô thầm cám ơn Trời đã thương tình giúp đỡ.

- Thế nào? Cô có kham nổi hay không?

Hương Lan gật đầu lia khi nghe hỏi:

- Thưa, nổi ạ.

- Vậy thì cô hãy thu xếp để đến đây vào ngày mai. Thời gian làm việc của cô từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều. Tôi cũng nói trước điều cấm kỵ ở đây là không nên tò mò vượt quá phạm vi công việc.

Có được một chỗ làm đối với Hương Lan là tất cả nên cô chấp nhận mọi điều kiện:

- Thưa, tôi hiểu ạ.

Người đàn ông nói tiếp:

- Hãy gọi tôi là Hoàng Huy. Còn cô…?

- Dạ, tôi tên là Hương Lan.

- Nghe cũng thu hút đấy.

Hương Lan bẽn lẽn bẻ ngón tay:

- Tôi chỉ là một cô gái nhà quê thôi, không dám nhận lời khen đâu ạ.

Ánh mắt người đàn ông lộ rõ sự đắm đuối:

- Tôi không tán dương theo kiểu nịnh bợ đâu, mà là nói theo nhận xét ai dám bảo hoa đồng nội không hương sắc bằng hoa trong vườn.

Đôi má Hương Lan hây hây đỏ bởi lời khen tặng của ông chủ cửa hiệu. Tự nhiên cô thấy có thiện cảm với ông ta dù tuổi tác khá chênh lệch nhau. Cô buột miệng:

- Thưa, gia đình ông đông người không?

Người đàn ông ngó chăm chú vào cô:

- Mới ngày đầu cô đã vi phạm nội quy rồi. Nhưng thôi, để tôi nói cho cô biết bản thân tôi hiện giờ là một kẻ độc thân.

Mặc dù đã bị cảnh cáo nhưng bản tính tò mò của phụ nữ trong Hương Lan vẫn chưa chịu dừng lại. Cô tiếp tục:

- Ông chưa từng lấy vợ ư?

Sắc mặt người đàn ông đanh lại kèm theo sự co giật trên làn da. Ông ta rít nhẹ qua kẽ răng:

- Sao cô nghĩ rằng tôi chưa từng lấy vợ? Hừ, mà đàn bà là cái thá gì chứ. Chỉ là một lũ bạc nghĩa, bạc tình giống nhau thôi!

Bỗng dưng bị mắng lây, Hương Lan tính cãi lại nhưng nghĩ đến thân phận người giúp việc của mình, cô đành phải ngậm miệng hứng chịu sự giận dữ đột xuất của ông chủ cửa hiệu, nhưng suy ra cho cùng thì cũng do lỗi của cô. Hương Lan vội nghĩ đến phương pháp xoa dịu:

- Thưa ông chủ, tôi xin lỗi.

Định tuôn ra hàng loạt những lời nặng nề nữa song thấy Hương Lan khép nép cúi đầu, ông Hoàng Huy bèn thu hồi cơn bộc phát trong lòng lại. Tuy nhiên, sự khó chịu vẫn còn để lộ ra bên ngoài:

- Tôi mong rằng cô đừng làm cho tôi bực bội thêm lần nữa.

- Tôi biết rồi, thưa ông chủ.

- Không cần phải lễ nghĩa như thế! Cứ gọi tôi bằng tên là được rồi. Bây giờ cô có thể ra về.

Trong thâm tâm Hương Lan muốn nán lại để xem xét chỗ làm của mình nhưng cô chẳng tạo ra được cớ gì cả:

- Chào ông! Sáng mai tôi sẽ tới nhận việc sớm.

Ông Hoàng Huy khẽ gật đầu với cô:

- Hẹn gặp lại!

Hương Lan rời khỏi cửa tiệm Hoàng Huy với bao nỗi hoang mang. Cô thật sự không biết mình có nên mừng rỡ vì đã kiếm được việc làm hay cần phải lo xa người đàn ông vừa gặp mặt.

Quả thật, công việc của Hương Lan ở cửa hiệu Hoàng Huy nhàn hạ tới mức cô không thể ngờ được. Với hơn hai chục pho tượng mỹ nữ đủ mọi kiểu dáng để ngổn ngang trong cửa hiệu, ngày đầu tiên Hương Lan cũng cảm thấy hơi cực vì chưa quen việc lau chùi. Nhưng sau đó cô đã làm thành thạo nên rút ngắn được thời gian và cũng thật rảnh rang. Từ khi Hương Lan đến nhận việc, ông Hoàng Huy ít có mặt ở cửa hiệu hơn. Chắc ông ta bận việc, Hương Lan đoán thế qua quá trình tự tìm hiểu.

- Xin lỗi tôi muốn gặp ông Hoàng Huy.

Hương Lan ngừng tay lau bụi quay mặt ra. Trước mặt cô một cô gái rất xinh nhoẻn miệng cười thân thiện:

- Ông Hoàng Huy có ở đây chứ ạ?

Không chậm trễ, Hương Lan đáp lại:

- Vâng. Ông chủ tôi có ở nhà.

Cô gái tự giới thiệu mình:

- Tôi là người mẫu Diễm Hà tôi được ông Hoàng Huy mời đến để cộng tác.

Sực nhớ lại bổn phận, Hương Lan vội niềm nở:

- Nếu cô là người ông chủ tôi mời đến thì xin cứ vào trong.

Cô người mẫu ngúng nguẩy thân hình làm mỗi bước trông như một điệu nhảy. Hương Lan nhìn theo cho đến khi cô ta khuất hẳn sau cánh cửa kính màu sậm mới quay ra tiếp tục công việc thường ngày. Suốt cả một buổi chiều, Hương Lan có ý chờ cô người mẫu trở ra để được nhìn thấy cái dáng đi nhún nhảy của cô ta, nhưng mãi tới năm giờ chiều, cánh cửa kính cách ly với cửa hiệu bên ngoài vẫn im lìm không chịu mở. Bây giờ thì Hương Lan phải tự đoán mò rằng có lẽ cô người mẫu Diễm Hà kia là nhân tình của ông chủ. Chắc chắn họ đang quấn quýt bên nhau nên không để ý gì đến giờ giấc. Dù trong lòng luôn thắc mắc, Hương Lan vẫn không dám lại gần cánh cửa kính để khẽ đẩy nó hé ra mà nhìn trộm. Mặc kệ họ, can chi tới cô chứ. Đàn ông không vợ, phụ nữ không chồng quan hệ tình cảm là chuyện thường có gì đáng cho cô phải rình mò, ngấp ngó đâu. Hết giờ làm việc cứ đóng cửa hiệu mà về. Với ý nghĩ ấy Hương Lan thực hiện ngay sau khi viết vài chữ để lại trên bàn giấy.

Thong dong đi trên phố, sự đông vui của buổi chiều thứ bảy làm lòng cô rộn lên cảm giác yêu đời. Dẫu sao cô cũng đang ở lứa tuổi mười chín, đôi mươi sao tránh khỏi những ước ao, khát vọng. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà trong Hương Lan tạm vơi đi. Cô đang suy nghĩ tới chuyện phải tự tạo cho mình một tương lai nơi thành phố mà cô đang ẩn náu.

- Ái!

Mãi suy tư với những dự định mới mẻ vừa hình thành trong tâm tưởng, Hương Lan đã tông vào người một thanh niên đang đứng đợi xe buýt ở trạm. Vốn tính tình xốc nổi, cô không nhận lỗi mà còn cự nự:

- Người gì đâu mà đi đứng lung tung!

Anh thanh niên ngó cô rồi chau mày:

- Thật kỳ lạ, đã xô vào người ta mà còn lớn tiếng.

Hương Lan nghênh nghênh mặt:

- Thì sao chứ? Ai bảo đứng chặn đường làm chi.

Anh thanh niên không chịu bị bắt nạt, phản ứng ngay:

- Cô nói năng cho cẩn thận nhé. Đụng vào người ta đã không thèm xin lỗi, lại giở thói ngang tàng, thật quá quắt!

Hương Lan cao giọng lên:

- Anh nói ai ngang tàng?

Ánh mắt người thanh niên lừ lừ:

- Tất nhiên là cô rồi.

- Hổng dám đâu. Kẻ đó là anh thì có!

- Cô!

- Anh!

- Hôm nay đúng là ngày xui nên mới gặp phải nữ quái giữa đường!

Lời than của anh thanh niên làm Hương Lan nhảy dựng. Cô trừng mắt:

- Anh nói cái gì chứ?

Anh thanh niên cười giọng mũi:

- Nói cái gì mắc mớ chi cô phải hỏi. Rõ là kẻ lắm điều!

Không để cho người thanh niên kịp quay đi, Hương Lan chụp lấy vai áo anh ta kéo lại, vẻ mặt thật đanh đá:

- Anh không được phép bỏ đi!

Để nguyên tư thế bị nắm giữ, anh thanh niên hất mặt:

- Cô lấy quyền gì mà cấm tôi? Phụ nữ thành phố quả là dữ tợn.

Đang làm mặt ngầu, Hương Lan bỗng bật cười:

- Hí hí hí, anh nói thế mà không sợ bị bẻ gãy răng à. May cho anh, tôi không phải là phụ nữ thành phố đấy.

Anh thanh niên không thèm lộ nét thiện cảm với cô:

- Ai mà dám tin cô là gái nhà quê.

- Vậy là anh có mắt mà không có tròng rồi. Tôi là gái nhà quê chính hiệu đó!

Đến lượt anh thanh niên phì cười:

- Ha ha ha, con gái kiểu như cô ở quê tôi thật khó kiếm nhưng lại đầy dãy các khu vực bến xe hoặc chợ trời. Thôi, hiện nguyên hình đi cô ơi. Cô không thể nhập vai thôn nữ nhà quê được.

Hương Lan ngượng chín người thay vì tức giận. Cô mà không phải là gái nhà quê hả? Lẽ nào mới đặt chân đến thành phố này một thời gian ngắn cô đã lột xác rồi sao? Không, cô vẫn hiền lành và chất phác như xưa. Ngẫm lại những lời mình vừa đấu khẩu với người thanh niên, Hương Lan nhận ra sự quá đáng. Quả là cô đã quá chanh chua. Đụng vào người ta còn buông giọng lớn lối. Chàng trai này có vẻ con nhà tử tế, chứ gặp phải bọn ngang tàng chắc chắn nãy giờ cô đã lãnh vài bạt tai. Hạ mình xuống một chút để làm hòa với người ta. Tri giác cô mách bảo và Hương Lan nhanh chóng phục thiện bằng nụ cười hiền hoà:

- Anh thật sự không tin tôi là gái nhà quê?

Người thanh niên nheo mắt:

- Tin hay không việc ấy chẳng có gì quan trọng, bởi cô và tôi là hai kẻ xa lạ chỉ vướng mắc qua cái đụng vừa rồi.

Đôi bờ môi của Hương Lan mấp máy:

- Lỗi ở tôi vô ý, mong anh bỏ qua cho.

- Cô làm tôi ngạc nhiên ghê. Phải chăng cô đang muốn tạo ra một trò đùa mới mẻ? Thú thật, tôi cũng là một anh chàng nhà quê vừa chân ướt, chân ráo đến thành phố này để tìm người.

Hương Lan thoáng ngỡ ngàng:

- Thì ra anh cũng "Hai lúa" thứ thiệt hả? Ôi, thế mà tôi cứ tưởng anh là con trai thành phố nên mới phải vờ đanh đá để không bị bắt nạt.

- Thiên Lôi thấy cô cũng vác búa chạy dài huống hồ gì người phàm ai ăn hiếp cô nổi.

Cô gái bẽn lẽn cắn móng tay:

- Anh nói quá lời rồi. Bản thân tôi cũng dễ thương lắm chứ.

Người thanh niên le lưỡi:

- Vậy mà lúc nãy tôi có cảm tưởng sắp sửa bị cô nuốt trọng vào bụng rồi.

- Đâu dữ dằn tới độ ấy, tôi chỉ để lộ chút cá tính thôi mà.

- Cá tính của cô làm người khác nổi da gà.

Hương Lan nghe sượng cứng cả mặt:

- Tôi đã xin lỗi anh, chẳng lẽ anh cố chấp đến thế sao?

Người thanh niên nhún vai:

- Tôi đâu có hơi sức giận người dưng. Chào cô, tôi đang bận.

Nói rồi người thanh niên bước lên chiếc xe buýt vừa trờ tới làm Hương Lan chưng hửng, nhưng cô đã ra sức hét lớn:

- Anh chưa nói tên cho tôi biết.

Âm vang từ xe buýt vọng trở xuống:

- Biết để mỗi lần bực tức cô lại réo tên tôi lên mà chửi ư?

Hương Lan rất muốn đáp trả nhưng chiếc xe đã ở khoảng cách khá xa khiến cô chỉ có thể khiểng chân đứng nhìn theo. Khi chiếc xe đã mất hút ở cuối đường cô mới chịu lủi thủi về khu nhà trọ với tâm trạng đầy luyến tiếc. Bởi gương mặt người thanh niên vừa gặp gỡ đã lọt thỏm vào bộ nhớ và buộc Hương Lan phải nghĩ mãi về anh ta.

Sáng nay, vừa đến cửa hiệu Hương Lan đã bị ông Hoàng Huy chận lại:

- Tôi cho phép cô được nghỉ hai ngày.

Hương Lan giương mắt nhìn ông chủ lạ lẫm:

- Thưa, không cần phải dưỡng sức đâu ạ. Tôi thấy mình rất khỏe.

Ông Hoàng Huy hơi nghiêm mặt với cô:

- Bảo nghỉ thì cứ nghỉ. Cô đừng tỏ ra mình quá siêng năng.

- Nhưng hôm nay là ngày đầu tuần.

- Thì đã sao? Tôi không trừ lương cô đâu mà phải cuống quít lên như thế!

- Nhưng…

- Không nhưng gì cả, hôm nay tôi muốn được yên tĩnh.

- Thưa, ông bị bệnh?

- Nghĩ thế cũng được.

- Nhưng công việc của tôi ngoài cửa hiệu đâu ảnh hưởng gì đến sự nghỉ ngơi của ông.

Vầng trán khá cao của ông Hoàng Huy khẽ nhăn lại:

- Tôi không muốn bị làm rộn. Rất có thể sẽ có người đến gặp tôi.

Hương Lan mau mắn đáp:

- Tôi sẽ không cho ai vào cả. Tôi sẽ nói ông đi vắng.

Ánh mắt ông Hoàng Huy dán chặt vào người tạo cho Hương Lan sự nhột nhạt:

- Nếu cô thích làm việc thì ở lại, nhưng nói trước tôi không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai, ngay cả cô.

Ngỡ ông chủ đang trong tình trạng khó ở nên Hương Lan cũng chẳng bận tâm. Sau khi bị ông Hoàng Huy sai đi mua ít thức ăn đem về, cô bắt đầu công việc thường ngày của mình ở cửa hiệu. Chợt ánh mắt cô quét phải một đôi giày phụ nữ màu đen còn rất mới để gần cửa kính vào nhà trong. Ông chủ đang tiếp khách phụ nữ chăng. Từ sáng tới giờ đâu có ai đến cửa hiệu, vậy mà có đôi giày này xuất hiện ở đây. Vừa thắc mắc, vừa ngạc nhiên. Hương Lan rất muốn biết bên trong cánh cửa kính sậm màu kia, ông chủ của cô đang trò chuyện với ai. Không lẽ là một ả giang hồ? Chẳng thể nào như vậy được bởi qua thời gian đến đây phụ việc cô thấy ông Hoàng Huy rất nghiêm túc, thậm chí về tình cảm còn khô khan hay nói đúng hơn ông ta chứa trong người dòng máu lạnh. Từ khi Hương Lan đến giúp việc tại cửa hiệu tới nay cô chỉ thấy mỗi một mình cô người mẫu Diễm Hà tìm ông chủ của mình. Nhưng mối quan hệ của họ có lẽ là do công việc. Không thèm suy nghĩ nữa, Hương Lan ngồi xuống chiếc ghế vốn dành cho mình tại cửa hiệu. Vắng khách lại gặp sự im lặng nên cô đã liên tục ngáp và gục đầu xuống mặt bàn.

- Em ơi, có thể khoác cho tôi một chiếc khăn choàng lên người được không. Tôi không muốn biến thành kẻ trơ trẽn phơi bày thân thể cho người người nhìn thấy.

- Tiếng nói của ai vậy?

Hương Lan vểnh tai lên nghe ngóng nhưng âm thanh đó không lặp lại lần thứ hai. Có lẽ cô đang mơ giữa ban ngày. Hương Lan vừa tự nhủ thì giọng nghèn nghẹn của một nhân vật khác vang lên:

- Tôi mỏi chân quá, không thể đứng mãi với tư thế này được. Hãy cho tôi nằm yên.

Ui cha... giọng nói này vọng đến từ đâu khi trong cửa hiệu chỉ có mình cô và mấy chục pho tượng bằng thạch cao đứng, ngồi lổn ngổn? Lạ thật, hay âm thanh phát ra từ một chiếc máy đặt ngầm chỗ nào đó? Hương Lan đang cố đoán ra điều bí ẩn thì...

- Ôi tôi không quen làm kỹ nữ, không quen với cây đàn và phím nhạc. Xưa nay, tôi chỉ thích làm đẹp để mọi người chiêm ngưỡng, nhất là cánh đàn ông. Vậy mà giờ đây… hu hu hu, tôi không thích... không thích...

Hương Lan thật sự lạnh gáy vì đây là lần thứ ba tiếng nói của kẻ vô hình nào đó lọt vào tai cô một cách rõ ràng chứ không phải là mơ hồ. Cô đưa mắt nhìn quanh như cố ý sục sạo xem có người nào ẩn khuất đằng sau các pho tượng hay không, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy gì. Lúc này cô không còn cho là chuyện lạ mà có phần sờ sợ. Chẳng lẽ... Muôn vàn ý nghĩ vụt ập đến làm tim cô co thắt lại. Cửa hiệu này có ma hay tại cô đang bị ám ảnh bởi một sự kiện nào đó. Chịu, không thể phán đoán được Hương Lan lấm lét thu nhỏ người trên ghế, dùng hai bàn tay úp lên mặt để tránh không nhìn thấy điều gì đang diễn ra ở chung quanh. Thế nhưng những kẽ hở của ngón tay đã buộc đôi mắt tò mò của cô phải chứng kiến một cảnh tượng hết sức kinh hãi. Mà làm sao Hương Lan lại không kinh hãi được chứ khi cô đang nhìn thấy các pho tượng chuyển động như người thật. Chẳng phải chúng được làm bằng thạch cao hay sao? Dù đã biết chắc chắn là như thế, cô vẫn há hốc miệng ra, đôi mắt không thể nhắm mà chân tay cũng bất động. Mãi đến lúc bị một cánh tay túm chặt cô mới ú ớ rồi bật hét toáng lên.

- Oái!

Khi trấn tĩnh được cơn sợ hãi rồi, Hương Lan thấy mình té chổng kềnh cùng chiếc ghế ngay bên bàn làm việc. Chuyện vừa xảy ra là thật hay cô vừa trải qua một giấc mơ? Không thể tự đoán được mà cần phải kiểm tra lại chỗ đứng của các pho tượng. Hương Lan lấm lét nhìn khắp mọi ngõ ngách trong cửa hiệu, nhưng những pho tượng vẫn giữ nguyên tư thế và chỗ đứng chứ chẳng hề bị xê dịch như cô đã tận mắt trông thấy. Vậy là cô vừa mới nằm mơ? Hương Lan cố không tin điều ấy và đưa tay sờ thử vào một pho tượng gần mình nhất. Hoàn toàn là thạch cao thứ thiệt chứ chẳng phải da thịt mềm mại của con người. Thế mà lúc nãy chúng đã cử động được, nếu không phải thật thì chắc chắn cô vừa trải qua giấc mộng rồi. Đưa bàn tay lên dụi mắt, cảm giác trĩu nặng của bờ mi làm Hương Lan dịu bớt sự căng thẳng vì khẳng định mình đã ngủ thiếp ngay trong giờ làm việc. May mà ông chủ của cô đang giam mình ở nhà trong không bước ra cửa hiệu. Và cũng thật may mắn là cô đã ngủ gục chứ nếu không sự kiện vừa rồi sẽ khiến cô phải mất vía kinh hồn chẳng còn dám nán lại cửa hiệu trưng bày hàng mỹ nghệ lạ đời này.

Như thường lệ, cứ ba ngày Hương Lan lặp lại công việc lau chùi các pho tượng một lần. Cô vừa làm vừa nhẩm đếm từ một tới hai mươi lăm theo thứ tự số đeo của từng pho tượng. Nhưng dường như quân số bỗng gia tăng đột ngột. Ồ, có thêm pho tượng thứ hai mươi sáu từ bao giờ thế nhỉ? Chắc chắn lại là một tác phẩm mới ra lò của ông chủ cô đây. Hương Lan ngừng tay ngước mắt nhìn pho tượng bằng thái độ chiêm ngưỡng. Lại cũng là mỹ nhân nhưng pho tượng này thật tuyệt tác hơn tất cả, từ đường nét đến tư thế. Hương Lan thầm thán phục tài sáng tạo của ông Hoàng Huy song cô cũng không tránh được sự khó hiểu nơi người đàn ông lạ thường này. Là nghệ nhân tài hoa, thế nhưng ông Hoàng Huy chỉ tạo nên sản phẩm để trưng bày trong cửa hiệu của mình chứ không chịu đem bán dù có rất nhiều người thích trả giá cao. Đúng là nghệ sĩ thường có máu hâm. Hương Lan vẫn nghĩ về ông chủ mình như thế, dẫu trong lòng luôn khâm phục những tác phẩm mà ông đã làm ra. Không dám lau mạnh tay pho tượng thứ hai mươi sáu, sản phẩm mới vừa có mặt trong cửa hiệu nên Hương Lan chỉ khẽ phủi bụi sơ sài. Cô không ngờ rằng phía sau lưng mình có người đang theo dõi:

- Cô hài lòng với công việc được giao chứ?

Thoáng giật mình, Hương Lan quay mặt lại vội nở nụ cười tươi trên môi:

- Thưa, việc làm rất hợp với tôi.

Ông Hoàng Huy bước lên đối diện cùng pho tượng thứ hai mươi sáu, thong thả nói:

- Cô thấy những tác phẩm của tôi có vừa mắt hay không?

Hương Lan buột miệng khen:

- Tôi không có khả năng đánh giá tài năng của ông đâu. Nhưng nếu được phép thì tôi xin bảo đó là tuyệt tác.

Nét mặt ông Hoàng Huy tươi hơn:

- Cô không nịnh tôi đó chứ?

- Thưa, ích gì cho tôi ạ. Chắc chắn là không được tăng lương rồi.

Tiếng cười của ông Hoàng Huy bật ra:

- Ha ha ha, cô cũng bẻm mép lắm. Thấy cô làm việc tốt, tôi đang nghĩ tới chuyện thưởng thêm tiền cho cô.

Trong lòng mừng rơn, Hương Lan phải cố nén để không biểu lộ ra mặt. Cô giữ vẻ bình thản:

- Cám ơn ông ưu đãi. Tôi nghĩ mình thật may mắn nên mới được ông nhận vào giúp việc tại đây.

- Cô có yêu công việc của mình không?

- Rất yêu. Nhưng có một điều làm cho tôi thắc mắc mà không thể nào tự lý giải. Tại sao ông không chịu bán bớt những pho tượng này đi? Tôi nghĩ sự hiện diện đông đảo này sẽ làm cho cửa hiệu của ông mất đi phần thẩm mỹ.

Ông Hoàng Huy không lộ chút khó chịu vì Hương Lan đã phạm vào điều luật mà trái lại ông còn hồ hởi giải thích:

- Tất cả những tác phẩm tôi tạo đều mang tính chất nghệ thuật lớn. Mà đã là nghệ thuật thì tiền bạc so với nó có nghĩa lý gì.

- Nhưng ông cũng cần phải sống để tạo nên nghệ thuật chứ.

- Thì cô đang thấy đó, tôi có thiếu thốn gì đâu.

- Ông thật sự là một người giàu có hơn tôi nghĩ.

Bờ môi ông Hoàng Huy khẽ mím chặt vào nhau:

- Cô chỉ có cái nhìn bề ngoài thôi.

Hương Lan hơi tự ái:

- Tôi không phải là một kẻ hời hợt như ông nghĩ. Tôi cũng biết nhận thức bằng tâm hồn.

- Cô cho tôi là loại người như thế nào?

Cặp chân mày Hương Lan nhướng lên trông thật nghịch ngợm:

- Ông là mẫu người khó gần gũi, cô độc và khép kín.

Hơi thở ông Hoàng Huy khá mạnh:

- Chà, với lời nhận xét của cô thì tôi thật sự chẳng thu hút nổi ai rồi.

Hương Lan rất muốn tìm hiểu đời tư của ông Hoàng Huy nhưng lại sợ bị ông mắng như lần trước. Cô lảng đi bằng cách chỉ vào pho tượng mới:

- Tác phẩm này của ông thật đặc sắc. Tôi tin chắc sẽ có rất nhiều người muốn trả cao giá để mua.

Ánh mắt ông Hoàng Huy đầy thỏa mãn:

- Tôi thích nhìn thấy sự ham muốn của người khác, một sự ham muốn không đạt được ý nguyện.

- Nghĩa là sao, thưa ông?

- Không cần cô phải hiểu tường tận. Đó chỉ là chuyện riêng của mình tôi.

Rồi ông chuyển đề tài qua hướng khác:

- Tuần sau tôi có việc phải đi xa ít ngày. Cô có thể nghỉ hoặc đến cửa hiệu tùy ý.

Hương Lan hối hả nói khi nghĩ tới việc một mình phải đương đầu với những pho tượng như người sống tại đây:

- Thưa, nếu không bị trừ lương, tôi xin được nghỉ ạ.

Tiếng cười của ông Hoàng Huy vỡ ra:

- Trông cô có vẻ quan trọng vấn đề tiền bạc quá.

- Xin ông thông cảm. Bởi cuộc sống của tôi rất khó khăn giữa xứ lạ quê người.

- Tôi cũng muốn giúp cô nhưng ngặt nỗi cô lại là phụ nữ.

- Phụ nữ thì sao?

Hương Lan mở to mắt. Giọng ông Hoàng Huy nghe chát đắng:

- Họ là những kẻ mà tôi nguyền phải tận diệt.

- Ông?

Hương Lan tỏ vẻ sợ nên đứng lui ra sau vài bước, bởi trước mắt cô ông Hoàng Huy trông giống như một con thú dữ từng bị thương đang toát lên sự căm thù:

- Cô khiếp hãi rồi ư?

Hương Lan lắc đầu để xua đi nỗi run sợ bật ra từ lồng ngực. Cô cố giữ âm thanh để nói không lạc giọng:

- Thưa, tôi đâu có sợ. Chỉ tại ông làm cho tôi phải giật mình.

Sắc mặt ông Hoàng Huy dịu xuống nhưng cũng chưa hẳn đã dễ nhìn. Ông đứng trước pho tượng thứ hai mươi sáu ngắm nghía hồi lâu rồi mới quay sang phía cô nói:

- Đừng chạm mạnh vào "con búp bê" này nhé! Nếu cần thì cho nó mặc áo khoác một thời gian.

Hương Lan chợt đề nghị:

- Pho tượng này không khỏa thân, tôi nghĩ ông nên cho phép "con búp bê" thứ mười lăm mặc áo hoặc choàng tấm khăn sẽ thích hợp hơn. Nó sẽ không làm cho người chiêm ngưỡng cảm giác ngượng.

Vừa nghe qua, ông Hoàng Huy đã phản đối kịch liệt:

- Ồ, không được. Tôi muốn "con búp bê" thứ mười lăm này mãi mãi phải như thế!

Hương Lan nói theo suy nghĩ:

- Tôi có cảm tưởng đây là sự trừng phạt.

- Cô muốn nghĩ sao cũng được miễn là đừng làm gì trái ý tôi.

- Sao ông không đắp tượng nam mà chỉ chuyên về phụ nữ?

- Đó là cái "gu" mà bản thân người sáng tạo mới hiểu rõ.

- Tôi xin mạn phép nói ông là người rất đam mê phụ nữ.

Nói xong, Hương Lan vội đưa tay lên bịt miệng vì biết mình sắp sửa làm cho ông chủ nổi giận. Thái độ hoảng hốt của cô đã khiến ông Hoàng Huy quên mất cơn thịnh nộ không cho nó có cơ hội tuôn ra. Ông ngó cô rồi nói với vẻ châm chọc:

- Có gan nói còn biết sợ gì.

Hương Lan lí nhí:

- Tôi xin lỗi.

Ông Hoàng Huy chưa rời mắt khỏi cô:

- Dường như đàn bà thường thích phạm sai lầm để rồi chỉ vuốt ve đàn ông bằng một câu nói nhẹ nhõm như vậy!

Tuy rất kiêng dè ông chủ nhưng Hương Lan vẫn cãi lại:

- Không phải thế! Riêng bản thân tôi không phải là hạng người như ông nói.

- Cô cũng có cá tính đặc biệt đó.

- Cám ơn sự nhận xét của ông.

- Hương Lan, cô đã có người yêu chưa?

Đột nhiên bị tra hỏi chuyện thầm kín, mặt Hương Lan đỏ lên:

- Ông muốn biết đời tư của tôi để làm gì ạ?

Thái độ của ông Hoàng Huy đổi khác:

- Nếu không thích nói thì thôi vậy. Chuyện riêng mà phải không?

Rồi chẳng chờ trông thấy sự phản ứng của Hương Lan, ông Hoàng Huy bước ra khỏi cửa hiệu với dáng đi mệt mỏi. Hương Lan nhìn theo trong lòng chợt dấy lên niềm thương hại vì cô hiểu dù cao ngạo, bẳn gắt thế nào ông ta vẫn là một kẻ cô độc không có sự ấm áp của tình người.

Đã sắp tới giờ đóng cửa hiệu để ra về, Hương Lan bỗng phát hiện ra có kẻ gian đang ẩn nấp sau lưng pho tượng thứ mười lăm. Cô hoảng hốt toan kêu hét ầm lên thì tức thời bị hắn lao ra dùng tay bịt lấy miệng. Tiếng nạt của hắn nghe quen quen:

- Cô không được kêu la!

Hương Lan run giọng hỏi:

- Anh... anh là ai?

Kẻ đang khống chế cô dường như có ý định đùa bỡn nên hắn bật cười từ phía sau:

- Là ai cô không cần phải biết nếu như còn muốn sống để hưởng cuộc đời tươi đẹp.

Mặc dù rất sợ trước tình huống nguy hiểm bất ngờ này, Hương Lan vẫn kịp thời trấn tĩnh để tìm cách thoát thân. Cô cố cựa quậy bờ môi đang bị kiềm chặt bởi một bàn tay cứng nhắc:

- Buông ra đi kẻo tôi ngộp thở chết bây giờ.

Câu nói của kẻ gian từ phía sau lưng cô vọng bên tai:

- Yên tâm đi, cô không thể chết được đâu bởi chiếc mũi xinh đẹp của cô vẫn còn hít thở khí ôxy đều đều mà.

- Nhưng anh muốn gì ở tôi?

Tên kia bặm trợn:

- Tất nhiên tôi không hề có ý định vào đây để đánh cắp những pho tượng nặng nề này.

Vừa nghe thấy vậy, Hương Lan đã lạnh toát cả người. Cô lắp bắp:

- Anh... anh định làm gì tôi?

Kẻ gian có lẽ thuộc vào hàng ưa dí dỏm. Hắn buông lỏng bàn tay bịt miệng cô để làm động tác xoa nhè nhẹ bờ môi mọng đỏ của cô. Ngay lập tức hắn phải bị trả giá:

- Á!

Thì ra Hương Lan đã cắn vào ngón tay hắn, ngón tay đã dám xúc phạm bờ môi trinh nguyên của cô. Và nhờ thế mà Hương Lan đã thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của kẻ gian. Cô bất ngờ đến há hốc cả mồm vì kẻ gian đáng nguyền rủa trước mặt cô chính là anh chàng thanh niên đã một lần gặp và đấu khẩu cùng nhau trên phố. Khoảng sửng sốt của Hương Lan đủ để cô tiếp tục bị khống chế. Nhưng lần này cô không tỏ ra sợ hãi nữa, mà giãy giụa ầm ĩ lên:

- Buông ra mau! Bộ anh không còn nghề nào để làm sao mà lại đi ăn cướp?

Gã thanh niên đang nắm giữ cô nghệch mặt ra:

- Tôi ăn cướp hồi nào?

- Không ăn cướp mà lại chơi trò quái đản như vậy hả?

Hương Lan hất hàm.

- Chỉ tại cô buộc tôi phải làm thế.

Nghe đính chính, Hương Lan phồng mồm mắng:

- Ai buộc? Ai khiến? Dẫu anh có nói gì cũng không lấp liếm được hành vi phạm tội của anh đâu. Tôi thông báo cho anh biết, anh chọn lầm nơi để cướp rồi, bởi đây chỉ là một cửa hiệu trưng bày hàng mỹ nghệ cho người ta đến coi chơi chứ không phải nơi mua bán. Nếu muốn cướp tiền thì hãy tìm đến các tiệm kim hoàn kìa.

Hai cánh tay gã thanh niên buông thõng cùng với bộ mặt khá căng thẳng:

- Tôi không hề có ý định xấu xa này. Chẳng qua là tại cô định tri hô nên tôi mới buộc lòng phải làm thế!

Vừa thoát khỏi sự khống chế, Hương Lan vội giữ khoảng cách an toàn cho mình rồi mới tranh cãi tiếp:

- Trong tình huống vừa rồi bất cứ người nào cũng đều phải la to lên cả.

- Nhưng tôi đâu có làm hại cô.

- Ai mà dám tin lời của anh.

- Thì cô hãy kiểm lại thân thể mình coi đã mất miếng thịt nào chưa.

Làn da mặt Hương Lan nóng rân ran:

- Chưa mất thịt, nhưng anh đã lợi dụng để đụng vào người tôi.

Gã thanh niên khẽ mím môi:

- Vậy cô đụng lại vào tôi cho huề.

- Ai thèm chứ. Nể tình đã gặp gỡ hôm nọ, tôi không truy cứu nhưng anh phải ra khỏi đây ngay.

Hương Lan cong môi hứ. Gã thanh niên vụt xuống giọng:

- Mong cô tỏ rõ lòng tốt thêm chút nữa để tôi được nán lại đây vài giờ.

Hương Lan la toáng lên:

- Không được. Đã tới lúc tôi phải đóng cửa hiệu để về. Anh đừng bày trò ma quỷ để thực hiện ý định xấu. Những pho tượng này nặng lắm, chẳng thể tự di chuyển đi nơi khác mà không bị phát hiện đâu.

Đến lượt gã thanh niên gãi đầu:

- Trời ơi, biết nói sao cho cô hiểu. Tôi thật sự không phải là kẻ cướp đâu mà.

Hương Lan hoạnh họe tới nơi, tới chốn:

- Không tự nhận ăn cướp thì phải có lý do chính đáng việc đột nhập vào cửa hiệu của tôi.

- Chỉ tại cô không chịu nghe thôi. Nếu mà tôi là tên cướp thật sự thì tôi đã xơi tái cô nãy giờ rồi, không để cô có cơ hội đứng đó mà ti toe cái miệng.

Lời gã thanh niên làm tim Hương Lan thóp lại rồi nhói lên một cái thật đau. Nhưng cô phải công nhận rằng gã nói đúng. Cố tỏ ra hòa nhã, cô nhìn kẻ đối diện bằng ánh mắt khác hơn:

- Anh nói đi. Sao anh phải ẩn nấp trong cửa hiệu để khiến tôi hiểu lầm?

Gã thanh niên không đáp thẳng vào câu hỏi mà chỉ ra hướng ngoài:

- Trước khi tôi kể lại sự tình thì nhờ cô bước ra xem những tên khủng bố tôi còn lẩn quẩn bên ngoài không.

- Lại chuyện gì nữa đây? Anh thuộc thành phần nào trong giới xã hội đen mà để bị rượt đuổi?

Hương Lan trợn mắt lên. Gã thanh niên thở hắt ra:

- Cô toàn đặt để cho tôi những vai trò ghê gớm. Nếu tôi là một tay anh chị thật sự tôi đâu cần phải trốn chui, trốn nhủi trong cửa hiệu này làm gì.

- Vậy thì anh nói đi.

- Tôi nghĩ cô đâu có tin tôi thành thật.

- Anh đừng kéo dài thời gian nữa, tôi cần phải đóng cửa hiệu để về.

Gã thanh niên đề nghị:

- Cô có thể cho tôi lưu lại cửa tiệm này tới sáng mai được không? Tôi xin hứa sẽ không đụng chạm vào vật gì cả.

Thêm lần nữa, Hương Lan tỏ thái độ sửng sốt:

- Anh đang đùa đó hả?

Bàn tay gã thanh niên chạm vào tay cô:

- Không. Tôi đang rất nghiêm túc. Tôi cần cô giúp đỡ để tránh tai họa.

Vừa chợt nghe những lời lẽ ấy Hương Lan rùng mình, toàn thân run lẩy bẩy:

- Ôi, tôi đang nghe điều gì vậy?

Gã thanh niên vội trấn an:

- Cô đừng quá sợ hãi. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu tôi được cô giấu trong cửa hiệu này.

Rồi thấy Hương Lan cứ trố mắt ra nhìn mình, gã giải thích cặn kẽ:

- Để tôi nói rõ cho cô biết về tình hình của tôi hiện tại. Kể ra thì đúng là giúp người mang họa vào thân. Hồi trưa này khi tôi đang làm công việc phụ hồ ở đoạn đường đằng kia thì trông thấy một sự kiện bất bình, hai tên côn đồ ức hiếp thằng bé bán báo để trấn lột tiền nên liền ra tay ngăn cản. Không ngờ cứu giúp được người khác thì lại rước tai họa vào thân, ít phút sau bọn côn đồ đã đem mã tấu tới chỗ làm tìm tôi. May nhờ anh bạn đồng nghiệp tinh mắt đã kịp thời báo lại nên tôi mới chạy thoát và lần vào cửa hiệu này ẩn náu suốt nãy giờ.

Nghe xong Hương Lan ngẩn ngơ nửa tin, nửa ngờ:

- Liệu lời của anh có phải là thật không? Người đời bây giờ có lắm trò lừa bịp lắm, tôi không thể dễ tin.

Gã thanh niên giậm hai chân xuống nền gạch, vẻ mặt bực dọc:

- Cảnh giác cao như cô rất tốt, nhưng không phải vì thế mà cô lẫn lộn vàng với thau, đen với trắng.

- Hứ. Anh biện hộ cho mình nhiều rồi đấy.

Có lẽ không còn lời nào để giải thích thanh minh cho mình nữa, gã thanh niên bèn thả người ngồi phịch xuống giữa nhà lưng dựa vào pho tượng thứ mười lăm:

- Ấy coi chừng anh sẽ làm nó hỏng.

Hương Lan hối hả chộp vai áo gã lôi dựng dậy, mắng luôn một tràng:

- Liệu anh có đền nổi chúng hay không? Toàn là những thứ vô giá cả. Ông chủ của tôi mà trông thấy chắc chắn sẽ nổi cơn thịnh nộ đuổi tôi và anh ra khỏi cửa hiệu này.

Thái độ gã thanh niên bất cần:

- Đuổi thì đi! Nếu không gặp sự cố, dẫu có yêu cầu tôi cũng chẳng ham ở lại. Mà trong cửa hiệu ngoài pho tượng này đây thì có gì hấp dẫn đâu.

Hất mặt vào pho tượng thứ mười lăm, ánh mắt gã thanh niên như đắm chìm sự đam mê khiến Hương Lan nổi cáu:

- Anh đúng là người có cái đầu đen tối.

Gã thanh niên cải chính:

- Không phải đen tối mà là biết chiêm ngưỡng nghệ thuật.

- Chiêm ngưỡng gì? Nghệ thuật gì? Cái kiểu nhìn của anh chứ. Mắt "dê cụ" thì có.

- Nói năng như thế mà không biết xấu hổ hả? Cô thấy tôi sàm sỡ bao giờ chưa mà dám dùng từ "dê cụ" gán cho tôi?

Bị vặn lại Hương Lan lúng túng đáp không xuôi:

- Tôi... tôi nói tại ánh mắt của anh!

- Tôi phản đối sự nhận định lệch lạc ấy. Chẳng qua tôi thích ngắm pho tượng này vì nó có sức thu hút người khác mà thôi.

Hương Lan nói toạc suy nghĩ mình:

- Bởi vì nó khỏa thân, nó làm cho cánh đàn ông các anh không thể không ham muốn.

- Phụ nữ các cô tâm lý hơn nam giới rất nhiều.

Gã thanh niên liền cười cợt. Bây giờ kẻ bị ngượng là Hương Lan bởi tự cô đã làm cho rối rắm tình hình. Nếu như gã thanh niên này đang nuôi ý đồ xấu trong lòng thì cô tránh sao được gã chứ. Để bảo vệ tiết hạnh. Hương Lan bèn dịu giọng:

- Tôi không tranh cãi với anh nữa. Nhưng anh làm ơn hiểu cho rằng tôi chỉ là một kẻ giúp việc thôi. Tôi không thể giao cửa hiệu cho anh.

- Ôi, tôi có yêu cầu lớn lao đến như vậy. Tôi chỉ xin được nán lại để tránh họa rồi sẽ rời khỏi ngay ấy mà.

Hương Lan ngước nhìn đồng hồ rồi nhấp nhỏm:

- Muộn nửa giờ rồi, tôi phải ra về.

Gã thanh niên nhấn mạnh một câu nói:

- Nếu cô tin tôi là người ngay thì cứ khóa cửa hiệu lại. Tôi tự nguyện làm "tù nhân" của cô tới sáng mai.

Rất nóng lòng ra về, lại thêm sự lì lợm của gã thanh niên, Hương Lan không thèm đắn đo nữa. Cô khoác chiếc ví lên vai rồi hượm quay lưng:

- Tôi sẽ nhốt anh rồi đi trình báo với cơ quan chính quyền tới giải quyết.

Nào ngờ gã thanh niên lại mau mắn chấp nhận:

- Đồng ý gấp. Vì như thế tôi đã được bảo vệ, còn sợ gì.

Nói xong gã tự tìm cho mình một chỗ ngả lưng mà không màng đến sự bực dọc của Hương Lan:

- Tôi sẽ yên tâm chờ cô nhờ người tới giải vây. Nhưng cố gắng mau lên nhé! Tôi cũng không thích phải sống trong tâm trạng của kẻ bị giam cầm đâu. Hơn nữa tôi lại còn chưa ăn bữa cơm chiều.

Tức mình, Hương Lan dấn mạnh đôi chân bước ra ngoài không để lại lời nào. Cô xoay tròn ổ khóa nơi cửa kính, rồi thả tấm cửa sắt chắc chắn bên ngoài xuống. Dẫu có thuật tàng hình tên thanh niên kia cũng không thể thoát ra ngoài khi cô chưa quay trở lại. Với ý nghĩ như vậy, Hương Lan tạm yên tâm bỏ đi nhưng chỉ được một khoảng cách ngắn cô đã phải dừng chân ngoảnh đầu ngó về phía cửa hiệu với nỗi lo âu khác rằng không biết gã khùng ấy có phá phách gì các pho tượng hay không?